[Xây dựng xanh] - Với lợi ích to lớn góp phần tiết kiệm tài nguyên, đặc biệt là đất nông nghiệp, giảm thiểu khí phát thải gây ô nhiễm môi trường, giảm chi phí xử lý phế thải của các ngành công nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu than, đem lại hiệu quả kinh tế chung cho toàn xã hội, vật liệu xây không nung đã được phát triển ở nhiều nước trên thế giới từ lâu.
Nhưng ở Việt Nam, dù nguồn nguyên liệu dồi dào, khí hậu nóng ẩm nhiệt đới rất cần áp dụng, vật liệu xây không nung lại vẫn “giẫm chân tại chỗ,” mà trong đó có nguyên nhân từ việc cụ thể hóa các cơ chế chính sách.
Mỗi năm mất hơn 1.000 ha đất nông nghiệp
Theo tiến sỹ Thái Duy Sâm và các nhà khoa học ở Viện Vật liệu xây dựng thuộc Bộ Xây dựng, dự báo nhu cầu vật liệu xây ở Việt Nam đến năm 2020 vào khoảng 41-43 tỷ viên gạch (quy tiêu chuẩn)/năm.
Nếu sản xuất gạch đất sét nung với số lượng này phải tiêu tốn khoảng 57-60 triệu m3 đất sét và 5,3-5,6 triệu tấn than. Như vậy, mức độ hao hụt của đất nông nghiệp là vô cùng lớn, chưa kể đến sự ô nhiễm môi trường và lãng phí tài nguyên không tái tạo được.
Không những mất đất nông nghiệp, khói đốt lò gạch thủ công đã trở thành nỗi lo hàng chục năm nay của nhiều hộ gia đình ở khu vực nông thôn bởi nguồn phát thải ảnh hưởng đến sức khỏe con người và gây mất mùa cho một số diện tích canh tác. Không những thế, nhiều chủ lò gạch còn ngang nhiên vi phạm luật đất đai, luật đê điều để lấy đất làm gạch...
Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp và địa phương đã giảm bớt các lò gạch thủ công, đầu tư các lò nung Tuynel để sản xuất gạch xây. Tuy nhiên, cho dù có cải tiến công nghệ, gạch xây bằng đất sét nung vẫn có rất nhiều hạn chế khi phải mất lượng lớn đất, nhiên liệu và phát thải nhiều loại khí độc hại.
Nhằm giảm thiểu việc sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 về phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020, với mục tiêu phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung để thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ từ 20-25% vào năm 2015, 30-40% vào năm 2020.
Đồng thời, hàng năm sử dụng khoảng 15-20 triệu tấn phế thải công nghiệp (tro xỉ nhiệt điện, xỉ lò cao…) để sản xuất vật liệu xây không nung, tiết kiệm được khoảng 1.000ha đất nông nghiệp và hàng trăm ha diện tích đất chứa phế thải; tiến tới xóa bỏ hoàn toàn các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công.
So với gạch đất sét nung, vật liệu xây không nung có nhiều ưu điểm nổi bật như nguồn nguyên liệu dồi dào, dễ kiếm, không ảnh hưởng đến đất trồng trọt, tận dụng được nguồn phế thải công nghiệp; giảm chi phí năng lượng, đặc biệt là giảm lượng khí thải, bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, có thể sản xuất vật liệu xây không nung ở quy mô nhỏ, đơn giản, dễ tạo ra chất lượng sản phẩm theo yêu cầu về cường độ, kích thước, có độ chính xác cao. Một ưu điểm nổi bật nữa là một số vật liệu xây không nung nhẹ, cách nhiệt, cách âm tốt, góp phần tiết kiệm năng lượng trong điều kiện thời tiết nóng ẩm ở Việt Nam.
Có thể lấy ví dụ: giữa xây tường bằng gạch tuynel hai lỗ thông dụng với một loại vật liệu xây không nung là gạch blốc rỗng SHB2-150 có kích thước 390x150x190mm cho thấy xây gạch blốc tiết kiệm vữa 60%, thời gian xây 1m2 giảm 60%, giá viên gạch đã quy kích thước tiêu chuẩn giảm 25%...
Nhiều cơ chế khuyến khích phát triển vật liệu xây không nung
Hiện nay, cả nước có khoảng gần 900 cơ sở sản xuất vật liệu xây không nung, với tổng công suất 1.529 triệu viên (quy tiêu chuẩn)/năm. Tính cả khoảng 350 cơ sở sản xuất có công suất rất nhỏ (dưới 1 triệu viên/năm), tổng công suất gạch không nung là khoảng 1.700 triệu viên/năm.
Theo đánh giá chung, sản xuất vật liệu xây không nung vẫn chủ yếu ở quy mô rất nhỏ bé, manh mún, tự phát, tỷ lệ cơ sở sản xuất có công suất vừa và lớn tương đối thấp (28%). Việt Nam chưa có một số loại gạch không nung như gạch silicat, gạch bêtông khí chưng áp... mà các loại này tương đối phổ biến ở nhiều nước trên thế giới.
Theo tiến sỹ Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, với hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn, việc thay thế gạch đất sét nung bằng vật liệu xây không nung sẽ là một xu thế phát triển. Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay chính là cơ chế chính sách và thói quen của ngưới tiêu dùng.
Hiện nay, các tiêu chuẩn liên quan đến yêu cầu thiết kế, hướng dẫn thi công xây dựng và nghiệm thu chưa cụ thể hóa cho từng đối tượng sản phẩm vật liệu xây không nung. Do đó, nhà tư vấn thiết kế chưa mạnh dạn thiết kế đưa sản phẩm vật liệu xây không nung vào phổ cập trong các công trình xây dựng.
Ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng thuộc Bộ Xây dựng cho biết từ năm 2001, Trung Quốc đã ban hành danh sách 170 thành phố cấm sử dụng gạch đặc đất sét nung vào xây dựng công trình; quy định thu thêm một loại phí đối với kiến trúc nhà sử dụng gạch đất sét nung.
Trong khi đó, ở Thái Lan, không cần ban hành chính sách khuyến khích vật liệu xây không nung nhưng Nhà nước quản lý chặt việc sử dụng đất đai. Do đó, vật liệu nung có giá cao hơn rất nhiều vật liệu xây không nung. Yếu tố thị trường điều tiết khiến công nghiệp vật liệu xây không nung ở Thái Lan rất phát triển như bêtông nhẹ đã có cách đây 10 năm.
Theo Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, từ năm 2011, các công trình nhà cao tầng (từ 9 tầng trở lên) phải sử dụng tối thiểu 30% vật liệu xây không nung loại nhẹ (khối lượng thể tích không lớn hơn 1.000kg/m3) trong tổng số vật liệu xây; khuyến khích các công trình xây dựng sử dụng vật liệu xây không nung khác có độ rỗng lớn hơn 30% và vật liệu xây không nung loại nhẹ.
Để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư sản xuất và kinh doanh vật liệu xây không nung, Nhà nước đã ban hành các cơ chế chính sách ưu đãi về thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp; các dự án chế tạo thiết bị sản xuất vật liệu xây không nung nhẹ và sản xuất gạch xi măng - cốt liệu công suất từ 7 triệu viên quy tiêu chuẩn/năm trở lên được hưởng ưu đãi như đối với các dự án thuộc chương trình cơ khí trọng điểm...
Chính phủ cũng giao cho Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện các giải pháp về khoa học công nghệ để phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung; lập danh mục các loại thiết bị, vật tư sản xuất vật liệu xây không nung được miễn thuế nhập khẩu; xây dựng lộ trình và đôn đốc thực hiện việc xóa bỏ lò gạch thủ công theo các vùng, miền; tổ chức việc thông tin, tuyên truyền về sản xuất, sử dụng vật liệu xây không nung..../.
Tựa gốc: " Vật liệu xây không nung bảo vệ tài nguyên, môi trường"
Hải Quang